Sự nghiệp Đồng Quang Vinh

Năm 12 tuổi, anh được sang Nhật Bản biểu diễn và sử dụng đàn t’rưng, sáo trúc để biểu diễn âm nhạc phương Tây.[4]

Anh từng tham gia dàn dựng, chỉ huy và biểu diễn nhiều chương trình cùng dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch, dàn nhạc dân tộc Thượng Hải, dàn nhạc dân tộc Nhà hát Ca múa nhạc Triết Giang, dàn nhạc dân tộc Hồng Kông.[1] Trở về Việt Nam, anh là giảng viên chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng, Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và tham gia nhiều chương trình hòa nhạc lớn với tư cách là tổng chỉ huy. [5]

Ngoài ra, anh còn thường xuyên chỉ huy nhiều dàn nhạc học sinh sinh viên tại Thượng Hải tham gia các cuộc thi Concour cấp quốc gia cho các dàn nhạc trẻ Trung Quốc và luôn giành giải nhất cho các dàn nhạc này.[1] Anh đang là giám đốc nghệ thuật của dàn Hợp xướng quốc tế Hanoi Voices, Đồng Quang Vinh còn chỉ huy dàn nhạc tre nứa Nhật Bản Waraku và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.[1] Tháng 4 năm 2017, Vinh và hai dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới và Waraku của anh được mời thảo luận và biểu diễn tại Talkshow quốc tế TEDx. Tháng 1 năm 2018, Vinh được chính phủ Mỹ chọn là đại diện duy nhất của Đông Nam Á trong số 18 quốc gia từ khắp năm châu tham gia dự án “Promote social change through the arts” thuộc chương trình “International Visitor Leadership Program” (IVLP) được tổ chức tại 5 thành phố lớn của Mỹ trong thời gian 3 tuần.[6][7] Anh còn là đại diện của Việt Nam diễn tấu tại Festival Âm nhạc dân tộc quốc tế tại Trung Quốc, Pháp.[7]

Đồng Quang Vinh thường diễn tấu cùng các nghệ sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc hàn lâm như Yosuke Yamashita, anh còn tham gia dàn dựng tác phẩm Requiem của Joseph Verdi. Anh còn chuyển soạn hơn 50 tác phẩm âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc... để có thể trình diễn bằng các nhạc cụ dân tộc làm từ tre nứa.[2] Trong những buổi tập, anh cho biết mình sốt 40 độ và đau mắt nhưng vẫn đeo khẩu trang, đeo kính đen để chỉ huy dàn nhạc.[8] Với vai trò chỉ huy dàn nhạc, Đồng Quang Vinh tạo lập mối quan hệ với nhiều tổ chức nghệ thuật, các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam để liên kết đầu tư xây dựng chương trình hòa nhạc lớn, chất lượng cho dàn nhạc.[9]

Dù nhận được nhiều email mời sang làm việc tại Trung Quốc với mức lương gấp 50 lần, nhưng Đồng Quang Vinh vẫn quyết định trở về Việt Nam để hoạt động và làm việc.[10]

Ban nhạc Sức sống mới

Anh cũng là người thành lập ban nhạc Sức Sống Mới gồm 11 cựu sinh viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam,[11] chuyên biểu diễn các nhạc cụ được chế tác từ tre nứa như đàn t’rưng, ching’ram, k’lông pút, đinh pá, bộ gõ tre nứa, sáo trúc.[5] Ban nhạc này sử dụng nhạc cụ truyền thống chơi cùng các nhạc cụ phương Tây, Pop hóa nhạc cụ dân tộc, sáng tác và chuyển soạn lại những giai điệu dân gian; nhạc của đồng bào dân tộc miền núi vang lên trên nền hòa âm jazz, chất liệu âm nhạc dân gian với âm thanh của nhạc điện tử.[9] Đây là dàn nhạc tre nứa duy nhất ở Việt Nam sáng tác phối khí và biểu diễn theo hình thức giao hưởng hóa.[12] Dàn nhạc này cũng viết tổng phổ và phân phổ theo lối cổ điển chính quy.[12] Anh từng tổ chức loạt chương trình Tre mùa thu, trong đó sử dụng các nhạc cụ dân tộc hoàn toàn làm từ tre nứa của Việt Nam kết hợp với âm nhạc cổ điển.[13] Anh cho biết bản thân được một đội ngũ chuyên nghiệp hỗ trợ nhưng với ban nhạc Sức Sống Mới, anh phải tự làm nhiều việc như phối khí, marketing, liên lạc biểu diễn, chọn và huấn luyện diễn viên...[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đồng Quang Vinh http://baotnvn.vn/tin-tuc/Van-hoa--The-thao/3413/N... http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-thoai/99515... https://nhahatnhacvukichvietnam.com/dong-quang-vin... https://web.archive.org/web/20200803090806/http://... https://web.archive.org/web/20220102035408/https:/... https://web.archive.org/web/20220417130513/https:/... https://web.archive.org/web/20220428050518/https:/... https://web.archive.org/web/20220428050519/https:/... https://web.archive.org/web/20220428050523/https:/... https://web.archive.org/web/20220428050523/https:/...